Pure Land Buddhist Fellowship Center
Liên Hữu Tịnh Độ
  1455 County Road 137 / Hutto, Texas 78634
Tel: ( 512) 846 - 2348 & ( 512 ) 955- 4800
Email: lienhuutinhdo@yahoo.com & Website: http://lienhuutinhdo.org
 

Khai Thị
 
Khai Thị
Hòa Thượng Tịnh Không
Thuyết Giảng Cho Phật Tử Dự Phật Thất Trong Niệm Phật Đường


Rộng Mở Tâm Lượng.Trong việc tu hoc Phật pháp, muốn tự nâng cao cảnh giới của chính mình, có rất nhiều phương pháp. Mở rộng tâm lượng là một trong các phương pháp, trong đại thừa Kinh điển, chúng ta thấy các vị pháp thân đại sĩ, tức là những người đã minh tâm kiến tánh tâm lượng của các ngài rộng lớn như hư không bao trùm khắp pháp giới, chính vì thế cái nhìn của các ngài đối với tất cả chúng sanh trong hư không và các pháp giới đều bình đẳng.

Thế nào là bình đẳng? Vô niệm là bình đẳng còn có niệm là không bình đẳng. Phật trụ vô niệm, trong kinh Kim Cang có câu "Ưng vô sở trụ, sở trụ vô trụ" vô trụ tức là Phật trụ mà vô trụ là vô niệm.

Chúng sanh trong chín pháp giới còn chổ để trụ. Ví như Bồ Tát trụ ở cảnh giới lục độ. Duyên giác trụ ở nhân duyên, Thanh Văn trụ ở Tứ Đế, Ngạ quỷ ở cảnh giới tham, địa ngục trụ nơi sân, súc sanh trụ ở cảnh si mê. Tâm của tất cả các chúng sanh này đều còn chổ để trụ để dính mắc. Nói cách khác, tâm của chúng ta như thế nào thì cảnh giới của chúng ta như thế đó. Phàm phu chúng ta muốn trụ nơi cảnh giới vô trụ của Phật là điều không thể đạt được. Tuy nhiên Phật có truyền dạy cho chúng ta một phương pháp vô cùng thù thắng và tiện lợi để có thể dự vào cảnh giới vô trụ của các ngài, đó là pháp môn niệm Phật. Bồ Tát trụ ở lục độ, quí vị đã được nâng cao hơn đẳng cấp của Bồ Tát. Thế nhưng tiếng niệm Phật của quý vị phải tương ưng. Thế nào gọi là tương ưng? Mỗi một tiếng niệm Phật, quý vị phải trải lòng từ bi của mình đến với tất cả chúng sanh trong hư không và lan rộng đến khắp pháp giới. Mỗi tiếng niệm Phật đều vì lợi ích cho chúng sanh, đều mang lòng muốn ban vui cứu khổ đến mọi loại. Có người hỏi: tiếng niệm Phật của chúng ta, thực tế có lan rộng đến hư không các pháp giới không? Khẳng định là được

Trong Kinh Phật thường nói" tướng không rời tâm, tâm không rời tướng" cái chân tâm của chúng ta nguyên gốc của nó rộng khắp hư không, trùm khắp pháp giới. Sở dĩ tiếng niệm Phật của chúng ta không hòa nhập vào với hư không, vì chúng ta còn nhiều vọng tưởng, phân biệt và chấp trước làm chướng ngại bản năng tự nhiên của mình. Nếu âm ba của tiếng niệm hòa nhập với âm ba của tâm(chân tâm) lan rộng vào hư không, tiến sâu vào khắp pháp giới, cho dù Chư Phật thuyết

pháp ở xa xôi bất luận nơi nào, một khi tâm đã lắng đọng không còn chướng ngại, chúng ta vẫn có thể nghe được âm thanh lời pháp của các Ngài rất rõ ràng. Vì tâm từ bi của các ngài luôn trải rộng đến cõi ta bà này của chúng ta cũng như chúng sanh ở các pháp giới khác. Đây là sự thật, không hề hư dối. Vậy thì âm ba của Phật có thể rộng khắp, âm ba của phàm phu chúng ta cũng có thể rộng khắp. Cho nên mỡ rộng tâm lượng trong pháp môn niệm Phật là một phương pháp rất vi diệu, rất đặc biệt, thù thắng có thể khiến phàm phu trong một kiếp được bình đẳng thành Phật.

Người thật sự biết niệm Phật, sự lợi ích, niềm an lạc mà họ đạt được, phàm phu chúng ta không thể nào hiểu thấu, họ cũng không thể giải thích rõ cho chúng ta, vì có giải thích chúng ta cũng không hiểu(giống như ai uống nước, tự người đó biết nóng hay lạnh, mùi vị ngọt đắng ra sao).

Nguyên tắc thuyết pháp của Chư Phật cũng thế, những điều chúng sanh có thể hiểu được các Ngài mới nói, nếu không hiểu, tuyệt đối không nói. Tóm lại công phu niệm Phật có đắc lực hay không, chúng ta có thể thấy, biết qua cảnh giới của tâm lượng và sắc tướng của người đó. Một khi công phu niệm Phật đắc lực rồi, chắc chắn trên gương mặt của quý vị luôn tỏa ra niềm vui an lạc, tự tại, trong đạo Phật gọi là pháp hỷ sung mãn.

Pháp Môn Nhị Lực.

Quý vị được Kinh sách, thường nghe nói đến những người tu hành chứng quả A La Hán là hàng Thánh đã đạt đến mức chánh định, thân tâm an ổn không còn thối chuyển. Tất cả những người do công phu thiền định mà tâm không ô nhiễm chuyện buồn lo, thân xa lìa cảnh vui khổ của thế gian, đều được chứng nhập vào cảnh giới Tam ma địa tức là cảnh giới không còn sanh diệt.

Phàm phu chúng ta nếu còn một phẩm vô minh chưa dứt đoạn, muốn chứng vào cảnh giới cao cấp này chỉ còn cách nương theo pháp môn niệm tiện lợi nhất, đó là niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, chỉ cần sanh về thế giới Tây phương Cực Lạc, quý vị sẽ chứng được cảnh Tam Ma Địa, tức là cảnh bất sanh bất diệt này.

Sự chứng đắc này thật ra không phải hoàn toàn do ở công phu của chính mình mà do một phần tha lực của Đức Phật A Di Đà hổ trợ, cho nên pháp môn Tịnh Độ còn gọi là " pháp môn Nhị Lực". Nói một cách rõ hơn, tự lực là năng lực của chính mình, y theo lời dạy của Phật mà niệm Phật để có thể hàng phục những tập khí. Một khi công phu niệm Phật thành khối, nhờ sức gia trì của Phật A Di Đà sanh về thế giới Cực Lạc, vào được cảnh giới phương Tây gọi là tha lực. Pháp môn Nhị Lực này là một pháp môn duy nhất được Chư Phật đề cập trong Tịnh Độ Tông.

Ngoài sự chứng nhập vào cảnh Tam Ma Địa còn đạt nhất thiết Đà La Ni. Đà La Ni là tiếng Phạn, người Trung Hoa dịch là Tổng Trì.

Tổng là hợp tất cả các pháp, Trì là giữ, làm theo tất cả giáo lý của Phật. Nói theo danh từ hiện nay Tổng Trì Đà La Ni là " toàn bộ nguyên tắc dạy chúng ta làm tất cả điều thiện, xa lìa tất cả việc ác".

Hôm nay quý vị tựu về nơi này để niệm Phật cũng có thể gọi là Tổng Đà La Ni, bởi vì suốt một ngày một đêm chỉ duy nhất giữ câu A Di Đà Phật, tất cả những vọng niệm suy nghĩ khác không còn nữa. Vọng niệm không còn thì những việc ác không thể xảy ra. Như vậy là xa lìa tất cả ác. Một câu vạn đức hồng danh, thiện pháp cao tột của thế gian và xuất thế gian, chúng ta chấp trì từng câu liên tiếp không ngừng để tăng trưởng thiện căn, đó là tất cả điều thiện. Ý nghĩa câu đạt nhất thiết Đà La Ni là như vậy.

Khi bước chân vào Niệm Phật đường, quý vị đã đạt được nhất thiết Đà La Ni nhưng vừa rời khỏi liền quên mất công phu niệm Phật!

Tuy nhiên, nếu trong một tuần bảy ngày, quý vị có được một ngày chuyên nhất niệm Phật, đạt được tâm không sanh không diệt và nhất thiết Đà La Ni như vậy quý vị cũng đã giỏi lắm rồi. Mỗi tuần một ngày đến niệm Phật niệm liên tiếp ba năm, công phu của quý vị thật đáng nể phục lắm. Nếu có thời giờ rỗi rãnh, mỗi ngày đều đến niệm Phật trong vòng ba năm thôi, quý vị sẽ thành Phật ngay. Bao nhiêu nghiệp tội trong vô lượng kiếp đều dứt sạch.

Trong quyển" Vãng sanh truyền" những người niệm Phật được vãng sanh ngay ở kiếp hiện tại này của chúng ta thật nhiều vô số kể. Người niệm Phật vãng sanh có nhiều hình thức, có người đứng, có người ngồi tự mình biết trước giờ ra đi, không một chút bịnh hoạn, ra đi một cách vui vẻ, tự tại đẹp đẽ, trang nghiêm. Kết quả vãng sanh này đều do công phu niệm Phật chuyên cần.

Niệm Phật Giải Trừ Nghiệp Chướng.

Pháp môn Tịnh Độ, một pháp môn hiện bày bốn chữ " Tiện lợi- dễ dàng" một cách rõ rệt. Nếu quý vị không hiểu được những lý luận trong kinh cũng không thành vấn đề, cũng vẫn có thể thành tựu.

Nếu bảo không cần hiểu nghĩa lý trong Kinh chỉ một lòng thành tâm niệm Phật mà có thể thành tựu, vậy thì tôi vẫn phải giảng kinh thuyết pháp nữa để làm gì? Sở dĩ tôi vẫn phải mỗi ngày thuyết giảng không ngừng, đem những lời hay ý đẹp của đức Thế Tôn ra nói là mong quý vị hiểu, mong quý vị giác ngộ. Bởi quý vị đây không đủ phước báu suốt ngày vọng tưởng, suy nghĩ lung tung. Vậy thì ai là người có đủ phước báu? Là những người thật thà, chất phác, suốt ngày chỉ ôm giữ một câu A Di Đà Phật, việc gì cũng không nghĩ tưởng. Do đó, công phu niệm Phật của quý vị khi đã đến mức không còn mảy may vọng niệm, chỉ còn một câu A Di Đà Phật, thì lúc đó Tam tạng mười hai bộ Kinh điển, mà Thế Tôn suốt 49 năm thuyết pháp đều là dư thừa. Quý vị cũng không cần đến nghe tôi giảng giải nữa.

Cho nên Phật độ chúng sanh, có hai hạng người dễ độ nhất.

Một là những người thượng căn lợi trí, vừa nghe qua liền thông đạt, liễu ngộ, dứt sạch vọng niệm.

Hai là những người thật thà ngu dốt, họ không cần tìm hiểu nhiều, bảo họ niệm Phật là họ cứ ngoan ngoãn, thật tình chấp trì, không nghỉ tưởng điều gì ngoài niệm Phật. Thứ ba là những người lưng chừng thích " khiên vác" ôm đồm, tìm hiểu suy nghĩ lung tung. Quý vị biết không, chúng ta thuộc loại người thứ ba này đó, loại người nhiều rắc rối. Cho nên đức Thế Tôn suốt 49 năm khó nhọc, mỗi ngày không ngừng nói pháp cũng vì những người nhiều rắc rối như chúng ta. Ngài phải đem pháp ly ác giảng nói tỉ mỉ ra cho chúng ta.

Mong rằng sau khi quý vị đã hiểu rõ rồi thì phải biết buông xả, không có vọng niệm là người có đại phước báu, tuyệt đối không phải có nhiều tiền tài, có địa vị cao, người có địa vị, tiền tài tuy được hưởng thụ đời sống vật chất, hưởng độ vài ba năm, sau khi chết rồi sẽ ra sao? Tam đồ, lục đạo phải chịu luân hồi, như thế có phải là phước đâu? Nếu tâm không chút vọng tưởng, suốt ngày chỉ câu A Di Đà Phật, người này chỉ vài năm sau là đã thành Phật được rồi. Hiểu được như thế, quý vị mới biết công đức niệm Phật thật vô cùng thù thắng, không gì sánh bằng. Đức Thế Tôn sở dĩ phải bày ra phương tiện nói ba thừa, chỉ vì muốn dẫn độ chúng sanh mà thôi. Mục đích duy nhất của Ngài là mong chúng ta một đời có thể thành Phật.

Có người hoài nghi rằng:" tôi rất ngu si, chậm hiểu, nghiệp chướng lại sâu dày, có thể thành Phật được không?" Trong Kinh điển Phật thường nói:" chỉ cần một câu danh hiệu Phật, có thể tiêu trừ 80 ức kiếp sanh tử tội nặng" quý vị thử nghĩ xem, suốt ngày một đêm ở Niệm Phật đường, quý vị đã niệm được rất nhiều tiếng. Vậy thì tính xem, tội chướng của quý vị đã tiêu trừ bao nhiêu rồi. Điều này chắc thật không sai, vì lời Phật nói không hề hư dối, chắn chắn có hiệu quả tốt, không thể nghĩ bàn.

Thế nhưng, vì sao nhiều người niệm Phật suốt ngày đêm mà nghiệp chướng vẫn còn đầy? Bởi vì nghiệp chướng của người này quá nhiều. Do đó công đức niệm Phật của một ngày đêm dù là giúp họ tiêu trừ đi rất nhiều mà vẫn chưa dứt sạch. Cho nên cần phải mỗi ngày đến niệm Phật, mỗi ngày giảm bớt thêm nghiệp chướng.

Phật dạy chúng ta rằng: năng lực quan trọng nhất để giải trừ nghiệp chướng trong lúc niệm Phật là không hoài nghi, không xen tạp, không gián đoạn. Với ba yếu tố này năng lực của không xen tạp mạnh nhất, nếu quý vị giữ được liên tục không gián đoạn trong ba năm, cho dù nghiệp chướng sâu dày bao nhiêu của vô lượng kiếp đều có thể giải trừ hết. Làm sao để biết được không còn nghiệp chướng? Hãy nhìn lúc quý vị vãng sanh, có thể ra đi bằng cách ngồi hoặc đứng rất tự tại. Sau khi sanh về cõi Tây Phương Cực Lạc, không phải trụ ở cảnh giới phàm thánh đồng cư, cũng không phải trụ ở Tứ độ Vãng sanh mà dự vào hàng Thượng Phẩm vãng sanh.

Câu danh hiệu Phật giải trừ nghiệp chướng thật là bất khả tư nghì. Cho nên Ngài Từ Vân Quán Đảnh Pháp Sư trong lời chú giải của bộ Kinh Vô Lượng Thọ nói:" Chúng sanh nào từ vô lượng kiếp tạo tội, tạo nghiệp cực ác, cực sâu dày. Bao nhiêu Kinh luận, tất cả các sám pháp đều không thể sám trừ được". Cuối cùng vẫn còn một phương pháp có thể cứu vãn, đó là phương pháp niệm Phật. Cho thấy công đức niệm Phật thật là to lớn, thù thắng vô cùng.

Pháp Môn Tịnh Độ.

Trong Kinh điển chỉ dạy rất nhiều phương pháp để chúng ta đi vào, vào những phương pháp như thế, không phải phương pháp nào cũng thích hợp với chúng ta cả.

Muốn tu học, phải biết tự nhận rõ căn tánh của mình, trình độ lý giải của mình. Nói theo danh từ hiện nay là trình độ hiểu biết kèm theo khả năng trí nhớ. Vì hai yếu tố này có quan hệ mật thiết với hoàn cảnh sống và việc làm của chúng ta. Cho nên từ trong rất nhiều những phương pháp khác nhau, chúng ta phải chọn lấy một phương pháp phù hợp nhất với điều kiện của mình. Có như vậy, việc tu học mới mong đạt được kết quả dễ dàng. Tuy nhiên chúng ta tự mình rất khó biết phải hạ thủ công phu từ đâu? Làm cách nào để có thể lựa chọn phương pháp. Phật nói đến tám vạn bốn ngàn pháp môn, làm sao biết được pháp môn nào là thích hợp. Một khi lựa chọn không đúng pháp môn, chẳng những dụng công nhiều, kết quả lại ít.

Sự tu học khó nhọc ở thế gian này cũng chẳng được một phần công đức nào. Điều này rất thật, chính bởi tình trạng như vậy, cho nên đức Phật Thế Tôn mới vì chúng sanh thời mạt pháp này chỉ bày ra một con đường. Đó là pháp môn Tịnh Độ, cũng là pháp môn của Chư Phật giúp chúng ta lựa chọn. Thế nhưng pháp môn này cũng có rất nhiều phương pháp tu học. Tuy nhiên tất cả chư Phật đều nhất khẩu đồng thanh chỉ dạy và giúp chúng ta lựa chọn phương pháp trì danh niệm Phật

Trong Kinh Di Đà dạy chúng ta trì danh niệm Phật. Kinh Vô Lượng Thọ cũng dạy chúng ta trì danh niệm Phật. Trong Quán Kinh Vô Lượng Thọ nói nhiều hơn, ngoài trì danh niệm Phật ra còn có quán tượng niệm Phật, quán tưởng niệm Phật. Như vậy chúng ta thấy rõ trong ba bộ Kinh Di Đà, Vô Lượng Thọ, Quán Kinh, Phật đều khuyên chúng ta giữ phương pháp chấp trì danh hiệu Phật. Chính vì thế chúng tôi lựa chọn và đề xướng pháp này.

Qua phương pháp trì danh niệm Phật, những người được lợi ích rất nhiều, kết quả vãng sanh vô số kể. Nếu theo phương pháp này, chân chính tu hành sẽ rất gần kề với Hoa Nghiêm tam muội lại hội đủ nguyên tắc hiện thực bách thiên tam muội. Thật là một pháp môn không thể nghĩ bàn, một pháp môn đơn giản, dễ dàng, chắc chắn, mau chóng. Chỉ cần buông xả vạn duyên, giữ chặt câu danh hiệu Phật niệm tới. Một số người niệm Phật, công phu không được đắc lực vì không buông xả được vạn duyên, tự tạo cho mình một chướng ngại trầm trọng. Chướng ngại này người khác không thể nào giúp. Chư Phật Bồ Tát cũng không thể giúp. Nhất quyết phải do chính bản thân mình chịu buông xả, bất luận điều gì cũng không nên chấp giữ trong lòng, chỉ giữ một câu A Di Đà Phật trong tâm, nương theo Phật mà niệm Phật, hiện tiền, tương lai chắc chắn thấy Phật.

Tự Hành Hóa Tha

Chư cổ đức thường nói:" :" Phát Bồ đề tâm, nhất hướng chuyên niệm câu A Di Đà Phật là một pháp môn vô cùng thù thắng, mau chóng và chắc chắn". Mau chóng ở chỗ nào? Trong Quán kinh nói: Thị tâm thị Phật: có nghĩa tâm này tức là Phật.

Hai câu này vô cùng quan trọng và gồm thâu hết vô lượng vô biên các pháp môn mà tất cả Chư Phật đã nói: Thị tâm thị Phật là nói về nặt lý. Nghĩa là tất cả chúng sanh đều có Tâm, Tâm của chúng sanh vô tình thì gọi là Pháp Tâm.

Phật tâm và Pháp tâm là một, chẳng phải hai. Thế nhưng, một tâm vì sao lại biến thành hai hình tướng khác nhau? Bởi vì một bên có tự có tưởng nên trở thành hữu tình, ngược lại biến thành vô tình chúng sanh. Trong Pháp Tướng Tông nói rất rõ: " Tất cả chúng sanh bản lai là Phật" thì nguyên gốc đã là Phật, hiện giờ lại phát tâm niệm Phật, làm Phật. Có lý nào không thành Phật. Do đó, vấn đề then chốt để làm Phật là phải niệm Phật, vì niệm Phật là phương pháp chính yếu, phương pháp trực tiếp.

Câu hỏi đặt ra là: Vì sao bảo chúng ta phải niệm Phật A Di Đà mà không niệm danh hiệu các vị Phật khác? Quý vị đọc Kinh Vô Lượng Thọ sẽ thấy rõ ràng.

A Di Đà Phật là quang trung chí tôn, Phật trung chí vương. Một vị tôn Phật vĩ đại với quả đức vô cùng mỹ mãn, cứu cánh và thiết thực mà tất cả mười phương Chư Phật đều đồng thanh tán thán.

Thưa quý vị, tất cả các pháp đều do Tâm nghĩ tưởng mà sanh. Hôm nay đây, Tâm của chúng ta nghĩ đến Phật A Di Đà, niệm Phật A Di Đà, chúng ta sẽ làm Phật A Di Đà. Lý do khuyên bảo quý vị không nghĩ tưởng điều gì ngoài sự nhất tâm chuyên niệm A Di Đà Phật là như vậy. Hơn nữa trong Kinh Đại Tạng đã nói rất rõ ràng đầy đủ là:" Nhất giải nhất thiết giải" nghĩa là khi chúng ta niệm một danh hiệu A Di Đà Phật là niệm đủ mười phương ba đời tất cả Chư Phật. Do đó đừng nên lo ngại hay phân biệt, chấp trước rằng niệm Phật này là bỏ Phật kia. Không phải thế.

Sau khi chúng ta đã nhận định rõ ràng sự thật được rồi, kế tiếp là phải vững tâm bền chí, dũng mảnh dựa vào Phật thất trong niệm Phật đường.

Phương pháp rất thường nhắc đến trong Niệm Phật Đường là: " Tự hành Hóa tha" nghĩa là tự mình tu hành và lợi lạc, hóa độ người khác. Do đó cần phải vào Niệm Phật Đường, cần phải cùng nhau tu tập.

Niệm Phật Đối Trị Vọng Tưởng

Niệm Phật là phải lấy kinh hành niệm Phật làm chính, khi nào quý vị mỏi thì ngồi xuống nghĩ ngơi, giờ giấc ngủ nghĩ, cố gắng giảm thiểu tới mức tối đa. Bởi vì ngủ là hôn trầm, người nào ngủ nhiều, chứng tỏ người đó còn nhiều hôn trầm. Hôn trầm là lạc vào vô minh. Nhiều vọng tưởng là trạo cứ. Không riêng gì trong lúc niệm Phật, nếu làm việc mà hôn trầm hoặc trạo cử đều bị chướng ngại. Trong nhà Phật gọi hai thứ chướng ngại này là hôn trầm, trạo cử.

Trạo cử là tâm xao xuyến, không định, bị nhiều vọng tưởng chi phối.
Hôn trầm là u mê, không sáng suốt, ngủ gục.

Bình thường chúng ta không thấy có vọng niệm, khi ngồi yên xuống, vọng niệm nổi lên rất nhiều. Có người cho là do niệm Phật, thưa quý vị, không phải như thế, không phải do niệm Phật mà sanh nhiều vọng niệm. Thực tế trong lúc bình thường, chúng ta đã có rất nhiều vọng niệm rồi, nhưng chúng ta không để ý đến khi ngồi yên lặng xuống niệm Phật, muốn thu nhiếp tâm lại mới phát giác rõ ràng như thế thôi.

Với hai loại chướng ngại này Phật có chỉ cho chúng ta phương pháp đối trị.

Thứ nhất: Đối trị vọng tưởng.

Do đó vọng tưởng nhiều bao nhiêu cũng mặc kệ, đừng để ý để làm gì, hãy dồn hết tinh thần, ý chí tập trung vào câu danh hiệu Phật hoặc tâm trung vào quán tưởng. Quán tưởng điều gì đây? Tưởng hình Phật, đến tưởng hảo của Phật. Tóm lại, cần phải tập trung tinh thần, ý chí mới có thể tiêu trừ được vọng tưởng. Hầu hết tất cả những nguyên tắc dụng công đều nhằm mục đích tiêu trừ vọng tưởng, hôn trầm, tạp niệm để hồi phục lại bản tánh giác ngộ của mình. Nói chung trong nhà Phật, bất luận sử dụng công nào đều hy vọng đạt được ba mục đích này.

Thứ hai: Phương pháp đối trị hôn trầm.

Nếu trong lúc ngồi niệm Phật bị hôn trầm, tốt hơn hết hãy đứng lên lạy Phật. Lạy Phật và kinh hành niệm Phật đối trị hôn trầm rất có hiệu quả.

Lạy Phật làm cho tinh thần tỉnh thức, trong lúc lạy Phật, điểm đặc biệt cần lưu ý là lạy Phật để sám hối. Bởi vì nghiệp chướng, tập khí của chúng ta rất là nặng nề, cho nên trong niệm Phật đường nhất là người sơ học, nếu mỗi ngày đạt tiêu chuẩn trên 300 lạy là rất tốt, rất có lợi.

Chúng ta thường nghe trong Đại Thừa Kinh Điển nói rằng: Tu hành trong thời mạt pháp, niệm Phật là pháp môn thù thắng nhất. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni bày nói tám vạn bốn ngàn pháp môn, đó không phải là bản ý của Ngài, chỉ vì ứng cơ thuyết pháp để dẫn độ chúng sanh mà thôi.

Chắc chắn sẽ được thành tựu.

Tri Ân Báo Ân.

Hôm nay có vị đồng tu, đưa ra câu hỏi: "Làm cách nào để siêu độ thân bằng quyến thuộc của mình?". Cho thấy đây là một vấn đề quan trọng được nhiều người quan tâm đến. Những người đã chết, điều mong mõi duy nhất và tha thiết của họ là trông nhờ sự giúp đỡ của con cháu. Do đó con cháu cần phải tu học Phật pháp. Theo đúng phương pháp của Phật đã dạy đễ tu hành. Đây là cách thức giúp đỡ có hiệu quả nhất.

Nhưng trong Phật pháp có đến 8 vạn 4 ngàn pháp môn. Pháp môn Trì danh niệm Phật là phương pháp dễ tu và mau chóng đạt kết quả nhất. Nếu quý vị thật sự phát tâm vì muốn cứu thân bằng quyến thuộc vĩnh viễn xa lìa ác đạo, quý vị phải mạnh dạn bước vào niệm Phật đường, chân thật niệm Phật, đồng thời phải có tâm kiên cố.

Trong cuộc sống, dẫu có nhiều bận rộn một tuần ít nhất quý vị phải đến niệm Phật đường một ngày. Niệm Phật vì ai? Vì giúp đỡ thân bằng quyến thuộc hiện kiếp cũng như thân nhân nhiều đời nhiều kiếp đã qua. Công đức này thật to lớn vô cùng.

Hiện nay trong niệm Phật đường của chúng ta, mỗi tuần niệm Phật một lần 24 giờ. Một ngày như vậy, quý vị hãy buông xã thân tâm, vạn duyên thế giới bên ngoài. Dùng tấm lòng chân thành, thanh tịnh, từ bi. Đồng thời với tâm niệm báo ân để niệm Phật. Được như thế việc niệm Phật của quý vị mới mong có kết quả tốt và nhất là đối với ông bà, tổ tiên, cha mẹ đã quá cố của quý vị được vô cùng lợi lạc, công đức của quý vị cũng thật là to lớn.

Trong đây có người thắc mắc: " Làm sao biết được thân bằng quyến thuộc lúc nào thoát khỏi ác đạo". Xin thưa rằng: " Ngay lúc quý vị phát tâm chân thành niệm Phật, họ lập tức thoát khỏi ác đạo". Bởi vì việc làm của quý vị chân thật, không giả dối thì liền được cảm ứng, chứ không phải chờ đến khi quý vị niệm Phật, đến lúc công phu thành khối họ mới được siêu thoát. Tuy nhiên nếu công phu của quý vị thành khối, nghĩa là không xen tạp, không gián đoạn, có thể gọi là " chứng tiểu quả" thì phước báu của họ sẽ được sanh lên thượng thiên đạo. (Trời, người, A tu la).

Trường hợp công phu niệm Phật của quý vị không ngừng nâng cao, thì thân bằng quyến thuộc của quý vị sẽ không bao giờ trở lại ác đạo. Đến đây quý vị đã hiểu rõ hai mặt lý và sự của công đức niệm Phật rồi. Từ đây quý vị tự biết mình phải làm thế nào khi phát tâm niệm Phật để đền đáp công ơn sâu dầy đối với Cửu huyền Thất Tổ, thân bằng quyến thuộc.

Phát tâm niệm Phật là điều rất tốt. Tuy nhiên nếu không có ngoại duyên hổ trợ, nghiệp chướng, tập khí của mình lại công phu không được đắc lực.

Một niệm Phật đường chân chính là một tăng thượng duyên giúp chúng ta tu hành, duyên này rất thù thắng. Hôm qua có một vị đồng tu người Mỹ đến nói với tôi rằng:" Tôi vào niệm Phật Đường, thấy chung quanh đều có hình Phật, khiến tôi có cảm giác như chính mình cũng là Phật". Cảm giác này thật sự không sai.

Điểm thù thắng khác ở Niệm Phật Đường là được mỗi ngày nghe giảng Kinh thuyết pháp. Sau khi nghe và hiểu được nghĩa lý trong kinh, siêng năng tu hành. Đây gọi là " Giải hành tương ưng". Nếu một Niệm Phật Đường, hằng ngày không được nghe giảng Kinh thuyết pháp, người niệm Phật không thể nào Giải hành tương ưng được. Đa số dễ lạc vào hình thức niệm Phật. Như vậy hiệu quả sẽ khác nhau xa lắm.

Hiện nay có một số đạo tràng ở những nơi khác đến tham dự Phật thất và áp dụng phương thức niệm Phật ở đây vào đạo tràng của họ thật là quý hóa vô cùng.

Tôi hy vọng mỗi đạo tràng ở những nơi khác đều có thể xây Niệm Phật Đường, hầu giúp mọi người cùng nhau niệm Phật. Tuy nhiên, một nhân tố cần thiết không thể thiếu, đó là phải hiểu rõ lý lẽ. Muốn hiểu lý lẽ phải có người giảng kinh thuyết pháp không gián đoạn. Nếu quý vị không tìm được người giảng pháp, có thể đến đạo tràng chúng tôi lấy băng về nghe, mỗi ngày nên mở băng nghe hai giờ đồng hồ. Như vậy, Niệm Phật Đường của quý vị với chúng tôi không có khác.

Công phu niệm Phật của chúng ta một khi đã thành khối, không những thân bằng quyên thuộc của kiếp này, thậm chí đến nhiều đời kiếp trước mà chúng ta không biết hoặc không thể nhớ, họ vẫn được siêu độ. Nghĩ đến việc này, nếu chúng ta không siêng năng nổ lực tu hành, chúng ta thật có lỗi với ông bà, Tổ tiên, thân bằng quyến thuộc.

Do đó khi vào niệm Phật, chúng ta phải mang tâm tri ân báo ân để niệm Phật. Chính cái tâm này là một động lực mạnh mẽ thúc đẩy chúng ta tinh tấn, dõng mãnh không ngừng. Hôm nay họ vẫn còn kẹt trong ác đạo, không có khả năng giải thoát nên họ hoàn toàn trông cậy ở chúng ta, những người hiểu Phật pháp, hiểu giáo lý, chân thật y giáo phụng hành. Không những giúp họ ra khỏi cảnh khổ, mọi tai kiếp hiện nay trên thế giới đều có thể giải hóa, có thể đạt đến chỗ quốc thái dân an như lời Phật nói. Cho nên niệm Phật không phải vì chính mình, mà vì thân bằng quyến thuộc, vì tất cả chúng sanh.

Giữ Chánh Niệm Phục Ma Vương.

Đa số chúng ta đây đều biết, Phật có tướng bảo quang minh, Ma cũng có tướng hảo quang minh. Phước báu của Phật vô cùng to lớn, phước báu của Ma cũng không kém. Phật có hào quang kim sắc của Phật nhu hòa khiến cho chúng ta mỗi khi tiếp xúc đều có cảm giác nhẹ nhàng tươi mát, an ổn, vui vẻ, tự tại. Ma cũng có hào quang kim sắc, nhưng dưới ánh sáng chói lọi của Ma, con người sẽ cảm thấy sợ hãi không yên. Tóm lại, hào quang của Ma so với hào quang của Phật không có khác, chỉ khác ở chỗ sau khi con người tiếp xúc rồi có những cảm giác hoàn toàn trái ngược nhau.

Làm thế nào để tránh khỏi ánh sáng của Ma? Không bị Ma tổn hại? Điều này hết sức quan trọng, quý vị không thể hiểu rõ. Phương pháp hữu hiệu nhất để đối phó:

Quý vị phải luôn giữ Chánh Niệm. Khi giữ được chánh niệm, chẳng những Ma không thể làm tổn hại, ngược lại sanh lòng tôn kính và hộ pháp.

Khi xưa. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni khi thị hiện tám tướng thành đạo, Ma ba tuần liền đến và dùng đủ mọi thủ đoạn uy hiếp cản trở. Đức Thế Tôn chánh niệm phân minh, như như bất động. Sau cùng Ma không còn cách nào để phá hại nữa, nên sanh lòng tôn kính, bái phục, nguyện làm hộ pháp cho Ngài. Do đó tâm niệm của chúng ta cần phải tương ưng với Giới- Định- Huệ, ba môn học, đây là phương thức quan trọng nhất để đối trị với sức cản trở, lay đông của Ma.

Những người nào dễ bị Ma làm tổn thương nhất?

Xã hội ngày nay, những người tu học Phật pháp, đặc biệt là gới thanh niên, bị nhập Ma rất nhiều, những ai thích có thần thông, cảm ứng đều dễ bị kết duyên với Ma. Ma sẽ lợi dụng nhược điểm đó của quý vị đến lay động quấy phá. Cho nên người tu học Phật pháp trong thời đại này cần phải có cảnh giác cao độ.

Khi niệm Phật phải giữ tâm thật chân thật, không nên mong cầu cảm ứng. Trong Kinh điển Phật dạy chúng ta như thế nào, chúng ta ngoan ngoãn làm theo. Điều gì Phật nói chúng ta không nên làm, chúng ta quyết định không làm. Phật dạy chúng ta vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thì chúng ta cầu sanh Tịnh Độ. Phật bảo chúng ta liễu sanh tử, thoát khỏi luân hồi, chúng ta tuyệt đối không luyến tiếc với lục đạo. Thuận theo lời chỉ dạy của Phật, Ma sẽ không làm gì được đối với chúng ta.

Giới trẻ ngày nay đa số vì muốn có thần thông, có cảm ứng, nhưng đâu ngờ đã tự mình làm hư hoại hết cả tương lai tốt đẹp của chính mình. Thật là điều đáng tiếc vô cùng! Quý vị nên hết sức thận trọng, nhất là phải có sự cảnh tỉnh đối với con cháu, bà con quyến thuộc, bởi vì trong lúc quý vị khởi tâm mong cầu thần thông, cảm ứng. Ma liền có dịp giả hình dáng Bồ Tát, giả Phật Di Đà đến mê hoặc và lừa gạt dẫn dắt quý vị đi theo. Nhiều vị đồng tu lo rằng: nhỡ khi lâm chung Ma giả Phật A Di Đà đến rước thì sao? Nếu chúng ta không phân biệt được giữa Ma với Phật thì công phu niệm Phật nổ lực tu hành bấy lâu sẽ chẳng còn.

Đối với điều này xin quý vị hãy yên tâm. Ma tuy lừa gạt người, nhưng nhất quyết chúng không thể giả dạng Bổn Tôn tức Phật A Di Đà. Bởi vì Phật có Thần Hộ Pháp. Khi chúng ta phát tâm chân thật niệm Phật đều được các vị Thần hộ pháp bảo hộ cho chúng ta, thần hộ pháp nhất quyết không dung thứ cho các loài yêu ma quỷ quái giả mạo Bổn Tôn.

Nếu chúng dám giả mạo sẽ bị tội nặng. Ngược lại nếu chúng giả dạng các vị Phật đến gạt quý vị, chúng không phạm tội. Cho nên quý vị niệm Phật A Di Đà, đến lúc lâm chung nhất định phải chờ Phật A Di Đà đến tiếp dẫn. Nếu thấy Phật Thích Ca, Phật Dược Sư đến rước đó là Ma giả dạng đến lừa gạt. Trong tình trạng như vậy, quý vị phải tập trung tinh thần, nhất hướng chuyên niệm hồng danh A Di Đà Phật, và mặc nhiên không thèm để ý đến, tức thời những hình ảnh đó sẽ tự biến mất. Những kiến thức này hết sức quan trọng, quý vị nên lưu ý.

Người niệm Phật thỉnh thoảng mơ thấy Phật A Di Đà, như vậy là công phu niệm Phật được cảm ứng, nếu thường xuyên thấy Phật thì phải cẩn thận, coi chừng công phu khôngr đúng hoặc có vấn đề. Nhiều người hỏi: " Lúc mới niệm Phật tôi thường mơ thấy Phật A Di Đà, tới nay, niệm Phật đã nhiều năm rồi, lại không hề thấy. Như vậy có phải tôi bị thối chuyển so với lúc ban đầu không?" Trả lời: " Cũng có thể thối chuyển" Nếu không bị thối chuyển cũng không nên thường xuyên mơ thấy, thường xuyên mơ thấy là Ma cảnh. Cho dù quả thật mơ thấy Phật cảnh hiện ra cũng không nên sanh tâm chấp trước, sanh tâm tham và vui mừng.

Trong Kinh Lăng Nghiêm, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni có chỉ dạy cho chúng ta phương pháp đối phó với Ma cảnh như sau: "Khi gặp cảnh giới hiện ra, phải giữ tâm không để ý đến, không tìm hiểu sâu vào". Vì sao? Bởi vì khi Ma hiện ra, có nghĩa là công phu của quý vị đã đạt tới mức khả quan, nếu không Ma cũng chẳng thèm tới để làm gì. Mục đích của chúng đến để chướng ngại, phá cho tan nát công phu tu tập và đạo tâm của quý vị. Cho nên ý nghĩa câu hồng danh A Di Đà Phật giúp chúng ta giữ tâm như như bất động trước Ma cảnh rất quan trọng và rất tương quan mật thiết với công phu tu tập của chúng ta.

Phát Tâm Bồ Đề.

Nếu chúng ta muốn ngay trong một kiếp nầy thật sư thành tựu được công phu niệm Phật. Lúc xử thế, tiếp xúc với người, với vật, cái tâm duy nhất mà chúng ta cần phải có đó là CHÂN TÂM.

Khi bị người khác lừa dối, hiếp đáp, chúng ta phải nghĩ như vầy: " đó là chuyện của họ, không dính dáng gì với tôi cả". Việc của tôi là phải dùng tâm chân thật đối xử lại. Vì sao? Bởi vì tôi quyết định trong một kiếp nầy phải cầu vãng sanh Tịnh Độ". Làm thế nào để cầu sanh Tịnh Độ? Trong Kinh Vô Lượng Thọ nói rất rõ:

Phát Bồ Đề Tâm, Nhất Hướng Niệm Phật.

Nếu quý vị không phát Bồ Đề tâm, chỉ nương vào nhất hướng chuyên niệm, kết quả không thể vãng sanh, xin quý vị nên thận trọng.

Ngài Lý Bính Nam nói: Một vạn (10 ngàn) người niệm Phật, thật sự có thể vãng sanh chỉ vài ba người. Vì sao số người vãng sanh quá ít như thế? Vì không phát tâm Bồ Đề nên tâm không thanh tịnh. Bởi tâm không thanh tịnh nên còn thị phi nhân ngã, tham, sân, si, mạn, nghi. Những thứ này không tương ứng với thế giới Cực Lạc một chút nào.

Tây Phương Cực Lạc là nơi câu hội của chư Thượng thiện nhân( chổ ở của những người thiện lành bậc nhất). Cho dù quý vị niệm Phật siêng năng đến đâu hoặc một ngày có thể niệm đến trăm ngàn lần, nhưng tâm của quý vị không thiện, làm sao có thể lên Tây Phương ở cùng chỗ của bậc Thượng thiện nhân? Do đó phát Bồ đề tâm quan trọng hơn cả việc nhất hướng chuyên niệm là như vậy. Người thật sự phát Bồ đề tâm, khi lâm chung, một niệm hoặc mười niệm quyết định sẽ vãng sanh. Vì sao? Vì họ đã là người thượng thiện nhân rồi, đầy đủ phước đức rồi. Chỉ cần chợt khởi tâm muốn vãng sanh là được ngay. Cho nên những lời nói trong Kinh điển, chúng ta cần phải lưu ý, suy ngẫm kỷ lưỡng, tuyệt đối không nên tụng niệm một cách hàm hồ.

Đoạn văn trên chúng ta nói đến CHÂN TÂM.

CHÂN TÂM là THỂ của Bồ đề tâm, kế tiếp nói THÂM TÍN là DỤNG của Bồ đề tâm.

Tự dụng đối với chinh mình là luôn giữ tâm hiếu thiện hiếu đức( thích làm điều thiện, đức). Đối với chúng sanh thì đại từ bi. Nhân từ, hiếu thiện hiếu đức là việc làm không thể miễn cưỡng hoặc làm cho có hình thức bên ngoài. Nó phải lưu xuất một cách tự nhiên từ bên trong ra. Cho nên người phát tâm Bồ đề, mỗi khi khởi tâm động niệm đều nghĩ đến việc làm lợi ích cho chúng sanh phá mê khai ngộ, thoát khỏi cảnh khổ được an vui. Không hề có một niệm nghĩ đến lợi ích cho cá nhân mình.

Nếu còn một niệm ích kỷ tự lợi, là còn ngã chấp nặng nề, ngã chấp là gốc rể của lục đạo luân hồi! Không bứng sạch gốc rễ này thì không có cách nào ra khỏi lục đạo. Cho nên ngay từ bây giờ, quý vị cần phải buông xả, phải nghĩ đến người khác, nghĩ đến chúng sanh, đến những người đang đau khổ, đang gặp nạn trên thế giới, tuyệt đối không nên nghĩ chuyện lợi ích cho riêng cá nhân mình nữa.

Trong suốt thời gian thuyết pháp đã qua, tôi nhiều lần nhắc nhở quý vị phải phát Bồ đề tâm. Trong Kinh điển đức Thế Tôn cũng từng lập đi lập lại không biết bao nhiêu ngàn lần. Vì sao Thế Tôn không ngừng lập lại như vậy? Bởi vì chúng sanh vẫn còn chưa tỉnh thức, vẫn còn u mê. Thế Tôn vẫn phải lập đi lập lại một cách không mệt mõi để kêu gọi chúng ta. Một khi quý vị phát khởi Bồ đề tâm, liền được chư Phật hộ trì. Vì tâm của chư Phật là tâm Bồ đề. Như vậy tâm của quý vị sẽ cùng với tâm của chư Phật không hề khác nhau./.

vdh

 
  << Back   Next >>
  • Thông Báo
    Đạo Tràng Liên Hữu Tịnh Độ
    Long Trọng Thông Báo:

    Thư Mời Đại Lễ Vu Lan 2017


        

    Tiệc Chay 2017

        

    Trường Việt Ngữ Hương Sen
    Thời gian dự kiến khai giảng lớp học vào đầu tháng 9 năm 2013


         Đạo Tràng Liên Hữu Tịnh Độ.
    Kính nguyện Chư Tôn Đức Tăng Ni lợi sanh đa hạnh.
    Chúc nguyện Chư Phật tử đa sở như cầu.
    Và chúc nguyện thế giới nhân loại được an bình.