Pure Land Buddhist Fellowship Center
Liên Hữu Tịnh Độ
  1455 County Road 137 / Hutto, Texas 78634
Tel: ( 512) 846 - 2348 & ( 512 ) 955- 4800
Email: lienhuutinhdo@yahoo.com & Website: http://lienhuutinhdo.org
 

Pháp Môn Tịnh Độ
Quán Âm Hạnh
( Tổng quát về Quan Âm Hạnh )

Thế nào là hạnh Quán Âm?

Nói đến Đức Quán Thế Âm thì dân tộc ta ai ai cũng biết tới. Ngài là biểu tượng của tình thương, của lòng từ bi vô hạn. Gần như hầu hết những Phật tử ai ai cũng từng nghe qua, hoặc biết tới Phẩm Phổ Môn, tức là phẩm kinh vô cùng phổ biến trong đạo Phật. Theo Phẩm Phổ Môn, hễ ai có tai chướng hiểm nạn gì cầu ngài Quán Âm, kêu tên ngài, nhớ tới ngài thì người đó sẽ được ngài gia bị, cứu thoát tai ương. Bắt nguồn từ Phẩm Phổ Môn, ta thường biết rằng tu “ theo Đức Quán Âm’’ nghĩa là trì niệm hồng danh Đức Quán Âm. “ Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát ”. Nhưng đó chỉ là một trong nhiều phương thức tu trì. Ðối với đời này, khi cuộc sống quá vật chất hóa, lòng người càng lúc càng thiếu niềm tin; khi lớp trẻ phát tâm tu, họ thường muốn tu theo một phong cách khoa học, thực tế, nhưng lại không muốn mất tinh hoa muôn đời của đạo Phật cổ kính.

Bởi thế, kinh Hoa Nghiêm, cống hiến một cách tu vô cùng tích cực: theo gót Đức Quán Âm, dấn thân vào đời, thực hành hạnh từ bi cứu khổ cứu nạn như Đức Quán Âm, chứ không nhất thiết phải tiêu cực, rằng ta chỉ biết niệm hồng dan ngài thôi. Theo tinh thần Hoa Nghiêm, khi ta học hạnh Đức Quán Âm, tức là ta bắt chước những công hạnh như khi Đức Quán Âm còn là phàm phu, như khi ngài trồng nhân Bồ Tát, như khi ngài thực tập cứu độ chúng sinh ở kiếp lâu xưa vậy.

Thế nào là hạnh Quán Âm?

Tu theo hạnh Quán Âm tức là tu toàn diện, bao trùm 4 phương diện bản hữu của cuộc sống: tâm linh, tâm lý, trí thức và thể xác, trong mối quan hệ riêng biệt đặc thù của mỗi người đối với môi sinh, văn hóa, và xã hội.

Bởi thế triết lý Hoa Nghiêm đề cập tới 3 loại công hạnh: Một, hạnh tu trì của thân, hay thân hạnh, gồm mọi hành động, lời nói.
Hai, hạnh tu trì của tâm, gọi là tâm hạnh, bao trùm tình cảm, lý trí, tư tưởng. Ba hạnh tu trì cho tánh (linh tánh), gọi là tánh hạnh bao gồm những hạnh mang đặc tính siêu thoát phiền não, gọi là hạnh vô lậu, như tánh từ bi, tỉnh giác, tín tâm, thanh tịnh. Bây giờ ta hãy xem làm sao tu 3 hạnh này ...

Thế nào là Thân Hạnh? Hạnh hiện thân và hiến thân

Hiện thân là hạnh đến với chúng sinh, những ai cần mình tới giúp. Nhiều khi mình chỉ cần hiện diện là đem đến an lạc cho họ, không cần phải nói năng hoặc hành động gì cả. Hạnh này bắt nguồn từ đâu? Từ chỗ Đức Quán Âm thường luôn hiện thân bất kỳ nơi đâu chúng sinh cầu ngài, cần ngài. Như kinh nói rằng ngài: Ðầy đủ thần thông lực, Rộng tu trí, phương tiện, Mười phương khắp mọi chỗ, Nơi nào cũng hiện thân!

Hiến thân là hạnh dâng hiến sức lực, thể xác để lợi lạc chúng sinh, và những người có duyên với mình. Nhìn xung quanh, hẳn ta sẽ thấy vô vàn cơ hội để mình đem lại an lạc đến tha nhân, dù rất ít ỏi, dù chỉ thoáng chốc. Nếu bạn hỏi thế nào là căn bản của đạo Bồ Tát thì câu trả lời là:

Không cầu tự thân được an lạc,
Chỉ mong chúng sinh đều ly khổ.


Giải tỏa tấm long nhỏ nhen ích kỷ, luôn nghĩ đến lợi ích tha nhân, đó chính là bản chất của Bồ Tát, cũng chính là nội dung của hạnh hiến thân vậy.

Thế nào là Tâm Hạnh? Hạnh nhu thuận và bao dung

Kinh nghiệm chung: mình không ai muốn gần kẻ hung bạo dữ tợn, hay cộc cằn, giận dữ. Tu hạnh Bồ Tát là học làm Bồ Tát, học làm người bạn tốt với chúng sinh; do đó, việc đầu tiên mình cần làm là tập nhu hòa, tùy thuận, mà kinh Hoa Nghiêm gọi là hạnh nhu thuận. Ðức Quán Âm là vị Bồ Tát đại biểu cho lòng nhu thuận rõ ràng nhất: đối với bất kỳ chúng sinh tốt xấu, dữ hiền, ngài vẫn bày tỏ thái độ nhu hòa và tấm lòng bao dung, sẵn sàng tha thứ, sẵn sàng che chở.

Bao dung không những diễn tả một cõi lòng rộng rãi, biết tha thứ, mà còn bao hàm một tâm thức cởi mở, một vũ trụ quan rộng rãi có thể chứa đựng được quan điểm hay kiến giải của tha nhân. Một khi vũ trụ quan ta nhỏ hẹp thì mình khó chấp nhận được ý kiến, quan điểm, hay tín ngưỡng của kẻ khác, mà kết quả là tánh ‘khó chịu’, nhỏ hẹp. Tu hạnh bao dung là tu mở rộng vũ trụ quan, mở rộng tầm nhìn, không ngừng khai mở.

Thế nào là Tánh Hạnh? Hạnh chân thật và từ bi

Ðức Quán Âm có biệt hiệu là vị Bồ Tát Thí Vô Úy, kẻ làm cho ta hết sợ. Vì sao? Vì ngài chân thật, không dối trá; không bóng tối, không dấu diếm. Bởi thế, đối với hạnh của tâm linh, thì chân thật đứng đầu mọi hạnh. Nếu tâm còn sợ hãi, thì ta hãy thực hành hạnh chân thật; thật với lòng, thật với người, với Phật trời, với tánh giác tịch tịnh. Nhưng cẩn thận, chớ dùng tánh thẳng thắn, để làm tổn hại người. Vì rằng: “nói thật mất lòng!” Phải lựa lời, lựa lúc, lựa lý, lựa tình mà nói. Do vậy, tu kèm với hạnh chân thật là hạnh từ bi: mình lấy tình thương, lòng vị tha làm khởi điểm mọi hành động.

Thiếu tình thương, tánh ngay thẳng chưa thể viên mãn. Quá nhiều tình, mà thiếu chân thật thì cũng không xong! Từ là tánh hiền hòa, diễn đạt bằng lời lẽ và thái độ dịu dàng, bất hại. Bi là tình thương không chiếm hữu; đem an lạc, không đem sợ hãi; cứu nhưng không sát; giải chớ không kết oán.

Tu 6 hạnh của Thân-Tâm-Tánh tóm lược

Tu hành là tu toàn diện, cả thân xác, tâm lý, tình cảm, trí thức, và tâm linh, chứ không phải đơn giản là ‘tu tại tâm’ ...

Chân thật từ bi tánh hạnh
Nhu thuận bao dung tâm hạnh
Hiện thân hiến thân thân hạnh

Thế nào là 4 hạnh hỗ lập?

Sáu hạnh Thân Tâm Tánh là nền tảng của hạnh Quán Âm; bản chất của nó là xây dựng một nhân cách Bồ Tát, lấy xả kỷ làm trọng tâm. Xả kỷ là thoát bỏ thói quen ích kỷ, tự lợi, thăng hóa cái nhìn hạn hẹp, chấp cứng vào ‘cái tôi’. Nếu nền tảng là xả kỷ thì kiến trúc là vị tha: Đức Quán Âm có bốn hạnh đặc biệt, lấy tinh thần vị tha làm trung tâm, lấy chúng sinh làm đối tượng để tu hành.

Bốn hạnh này gọi là bốn hạnh hỗ lập, vì nó giúp điều hợp và hỗ tương sinh khởi sáu hạnh trước. Bốn hạnh này lại dựa trên bốn phương diện của cuộc sống: tâm linh, tâm lý, lý trí và xã hội để phát triển, hướng dẫn ta vào con đường hoàn toàn vị tha phục vụ chúng sinh.

Tâm linh là cuộc sống chỉ riêng mình; khía cạnh xã hội thì nhấn mạnh vào đời sống với tập thể; yếu tố tâm lý biểu hiện trong quan hệ tình cảm với người thân thương, lý trí là đời sống của ý tưởng, suy tư, quan điểm.

Tâm linh: phản văn - xã hội: thí vô úy

Trên mặt tâm linh, Bồ Tát Quán Âm tu tập tam muội bằng cách lấy tánh nghe làm đối tượng của sự nghe; đó gọi là phản văn: không nghe bên ngoài mà nghe ‘bên trong’. Nhờ vậy ngài nghe được sự im lặng tuyệt đối bản hữu mà ta gọi là Phật tánh. Từ chỗ đó, ngài tiếp thông và lắng nghe mọi tâm thức, mọi nỗi niềm, mọi ý niệm trong biển lòng của vô biên chúng sinh trên vũ trụ.

Rồi trong sự tĩnh lặng của bản thể, ngài phát giác ra rằng, tất cả chúng sinh, hễ ai còn có quan niệm về cái tôi’, chấp trước vào ‘cái tôi’ thì kẻ ấy chắc chắn vẫn còn sự sợ hãi. Bởi vì bản ngã và sợ hãi thì như hình với bóng!

Mà hễ còn sợ hãi, thì còn lo âu, còn phiền não, còn đau khổ ... Bởi vậy khi Bồ Tát vào đời độ sinh, sứ mạng của ngài chính là: làm chúng sinh hết sợ, mà ta thường gọi là thí vô úy. Ðó chính là tinh thần và tinh hoa của con đường vị tha, nhập thế.

nghe và tư duy khi thoát khỏi sáu trần, thì như âm thanh xuyên tường chẳng hề trở ngại. Nhờ đó có thể ứng hiện bất kỳ hình tướng, hoặc tụng bất kỳ câu chú; mà mỗi hình, mỗi chú đều có năng lực ban bố vô úy.

Tâm lý mãn nguyện - Lý trí ứng duyên

Là kẻ phàm, ai cũng biết: khi ước ao của mình được toại nguyện thì không gì vui bằng! Là Bồ Tát, ai cũng biết: giúp kẻ phàm mãn nguyện là phương tiện độ sinh vĩ đại nhất. Ðức Quán Âm vì thế còn có tên là Như Ý, hay là vị Bồ Tát giúp ta vạn sự như ý. Do vậy, học hạnh Bố Tát, mình hãy tránh làm chướng ngại, gây rắc rối, tạo phiền hà kẻ khác, mà thường nên nghĩ cách giúp người thành tựu, giúp họ cởi mở, giúp họ như ý.

Công hạnh này gọi là khai tâm: đem lại niềm vui và sự khai mở cho cả tâm mình và tâm người. Ðức Quán Âm vì để ban bố vô úy, ban bố như ý, ngài đã dùng thần lực ứng hiện muôn vàn hình hài giúp đở chúng sinh. Vạn sự biến hóa đều tùy theo căn cơ của chúng sinh, tùy theo nhân duyên của công việc; do vậy khi mình muốn giúp đở ai, mình cũng học trí huệ của ngài Quán Âm: tùy căn cơ đối tượng, tùy nhân duyên công việc, tùy thời tùy lúc, mà ta uyển chuyển ứng biến để giúp người.

Làm như vậy gọi là tùy cơ ứng duyên. Biết tùy cơ thì ta sẽ không tùy tiện, làm càn theo ý mình, hoặc xuôi theo sở thích tham vọng. Biết ứng duyên thì mình sẽ không khống chế tha nhân; không cưỡng bách, doạ nạt, bắt buộc người phải chiều ý mình.

  • Thông Báo
    Đạo Tràng Liên Hữu Tịnh Độ
    Long Trọng Thông Báo:

    Thư Mời Đại Lễ Vu Lan 2017


        

    Tiệc Chay 2017

        

    Trường Việt Ngữ Hương Sen
    Thời gian dự kiến khai giảng lớp học vào đầu tháng 9 năm 2013


         Đạo Tràng Liên Hữu Tịnh Độ.
    Kính nguyện Chư Tôn Đức Tăng Ni lợi sanh đa hạnh.
    Chúc nguyện Chư Phật tử đa sở như cầu.
    Và chúc nguyện thế giới nhân loại được an bình.